Tên người dân tộc thiểu số Tên_người_Việt_Nam

Xem thêm Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam để biết về một số tục lệ đặt tên của người dân tộc thiểu số.

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống với nhau qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.[27] Trong đó có hai dân tộc sống ở rẽo cao tỉnh Quảng Trị - những người Vân Kiều, Pa Cô - được vinh dự mang họ Hồ - họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người dân tộc thiểu số ở vùng cao đặt tên tương đối đơn giản là tên cầm thú, cây cỏ hay các vật dụng trong gia đình. Các dân tộc ở đồng bằng chịu ảnh hưởng cách đặt tên của người Kinh

Thời hạn đặt tên cho con của một số dân tộc thiểu số quy định không giống nhau: người Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Đen) đặt tên ngay hôm sinh, nhóm Cà Chồ đặt vào ngày hôm sau, nhóm Hà Nhì La Mí sau 3 hôm mới đặt tên. Người Si La quy định 2-3 ngày, người Pu Nà đúng 3 ngày sau, người Brâu từ 3-5 ngày, người Mạ 8 ngày, người Cờ Lao đặt tên con khi đầy tháng, người Dáy lấy ngày đầu tháng để đặt tên con, người Sán Dìu sau 45 ngày mới đặt tên tục và đến khi con trưởng thành mới đặt tên chính thức...

Về nghi lễ cho việc đặt tên của mỗi dân tộc mỗi khác. Người Pu Nà làm lễ để xin tên của mụ; người Mạ làm lễ cúng thần ăn mừng long trọng để đặt tên; người Dáy trong lễ phải cúng "hoa nương thần" (thần trông coi đứa trẻ) và sau đó cạo trọc đầu đứa trẻ, sau đó cha mẹ tự đặt tên. Người Sila thường mời một bà già trong bản đến đặt tên để mong con sống lâu; người Pà Thẻn đặt tên con nhờ thầy cúng chọn ngầu nhiên trong những tên đã soạn trước trên những tờ giấy; người Brâu trong buổi lễ đặt tên, bà mụ vườn nghĩ ra một cái tên, khấn vái thần linh sau đó rót rượu uống, nếu thấy ngon miệng thì tên đứa trẻ được ấn định, nếu không phải làm lại từ đầu...

Người Xtiêng có lễ đặt tên cho thành viên mới là một nghi lễ quan trọng, lễ thường được tiến hành khi trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi: Gia chủ chuẩn bị một con lợn, một con gà trống, một chén rượu cần, một kỷ vật cho bé, sau đó gia chủ mời già làng đến làm Chủ lễ .

Hiện nay, các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc tuy không có chữ viết riêng nhưng vẫn có ngôn ngữ riêng gọi là "tiếng trong", tức là tiếng nội bộ trong dân tộc. Khi đặt tên con, người ta cũng lấy tên tiếng Việt, không hề ghi thêm tên dân tộc mình vào giấy khai sinh như trước đây .

Người Ra Glai ở xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận có tục: sau khi đứa bé chào đời, mẹ cha tiến hành nghi lễ Pơl Sa-úp vavruh Payua anãn (cúng bái khai sinh đặt tên hay còn gọi là lễ ra mắt, trình diện). Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, lễ khai sinh đặt tên có thể lùi lại chậm nhất 15-20 ngày sau khi đứa bé chào đời. Buổi lễ được tiến hành tại nơi trang trọng nhất trong nhà, gia đình sửa soạn các loại mâm có chân cao vài mươi phân, mâm có vành quý và mới đặt cạnh để bày các lễ vật dâng cúng Yàng và trình diện tổ tiên, ông bà, cổ cúng thường có cơm và cỗ khau trầu tạ .

Người La Hủ sau khi đẻ ba ngày thì lễ đặt tên cho đứa trẻ. Tên của trẻ sơ sinh thường được đặt theo ngày sinh, do vậy trong cộng đồng người La Hủ, việc trùng tên khá phổ biến. Nếu thấy trẻ lâu lớn hoặc hay đau ốm, có thể làm lễ đổi tên khác.

Trong ba loại kết cấu họ và tên thì các dân tộc thiểu số của Việt Nam đều có cả ba loại[10] như: kết cấu họ đặt trước tên có người Hoa, người Tày, người Nùng...; kết cấu có tên đặt trước họ như dân tộc Êđê; kết cấu chỉ có tên mà không có họ như dân tộc Sơ Đăng, dân tộc Ơ Đu hoặc người Chăm Nam Bộ hoặc có đệm thêm tên bố, tên ông, tên chú và các biệt danh khác như người Hà Nhì Đen lấy tên bố làm tên đệm cho con hoặc người Chăm Nam Bộ ghép tên bố sau tên con.

Người Pa Cô, Vân Kiều

Ở cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946, khi lên danh sách cử tri của dân tộc vùng rẻo cao Quảng Trị, cán bộ của Bác Hồ đến hỏi họ, tên của người Pa Cô, Vân Kiều thì mọi người chưa có họ. Một người trong số họ chợt nảy ra ý nghĩ: "Tất cả người Pa Cô, Vân Kiều đều là con cháu Bác Hồ". Vậy tại sao chúng ta không lấy họ của Bác Hồ"? Từ đó, tất cả người Pa Cô, Vân Kiều đều đặt theo họ của Bác.[27] Tuy cùng dòng tộc, nhưng người Pa Cô, Vân Kiều vẫn lấy nhau, sinh con để cái bình thường.

Người Chăm

Theo Nguyễn Khắc Ngữ trong Mẫu Hệ Chàm ở trang 125: 'Chiếu theo phong tục Chàm, xưa kia không có họ, chỉ thấy theo dòng sang như dòng làm vua xưa có họ, họ xưa của các vua Champa gồm có: Indra/Indravarman, Jaya/Jaya Sinhavarma, Cri/Cri Satyavarman, Maha/Maha Vijaya, Rudra/Rudravarman, Pudra/Pudravarman... hoặc sau này là các họ Ông, Ma, Trà, Chế hoặc các dòng làm trạng, làm quan, làm thầy, v.v. thì có họ, còn dòng hèn như dòng nông phu, tôi tớ, thợ thuyền, lao động thì không thấy có họ".[28]

Như vậy, một điều chắc chắn là người Chăm đã có cách đặt tên họ theo kiểu riêng của mình từ rất sớm, ngay thời kỳ mới lập quốc như Khu Liên, Phạm Hùng, Phạm Văn, Phạm Dật, Phạm Phật vào thế kỷ thứ III, thứ IV hoặc Pô Inư Nagar, Pô Klong Girai, Pô Klong Chăr, Pô Birthuôr, Pô Sahinư, Pô Ramê, Inra Patra, Deva mưnô... và nay là Inrasara, Patri Ratna, Apdul Karim, Asal... Những tên này rất Chăm, nhưng không thể hiện rõ tính dòng họ hoặc tính dòng họ được thể hiện theo một kiểu nào đó mà hiện chưa kết luận được.

Vào năm Minh Mạng thứ 14, triều đình Huế bắt người Chàm phải theo phong tục Việt Nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư. Đây là các họ phổ biến nhất trong dân tộc Chăm gần 2 thế kỉ qua.

Lúc bấy giờ đàn ông mang họ cha và đàn bà mang họ mẹ để đứng bộ điền thổ theo chánh quán mẹ và lưu truyền đến ngày nay.

Vào những năm 1954-1959, chính phủ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ cũng cấm luôn việc làm khai sanh bằng tên Chăm. Hậu quả là dấu vết tên Chăm hầu như biến mất hẳn từ ngày đó trong cộng đồng Chăm.[cần dẫn nguồn]

Thường thì người Chăm bình dân dùng tiền tố "Ja" (nam) hay "Mư" (nữ) trước tên, tương tự Văn hay Thị của người Việt như Jamưtaharei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Jalau (thi sĩ Trượng Văn Lầu).[29]

Người Chăm Nam Bộ

Người Chăm đã tiếp thu một số tôn giáo từ bên ngoài, đó là Bàlamôn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, tôn giáo là một tác nhân quan trọng chi phối mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán, tôn giáo đã phân hóa dân tộc Chăm thành ba cộng đồng với ba đặc trưng văn hóa khác nhau được quy định bởi thế giới quan của từng tôn giáo. Đó là cộng đồng người Chăm Bàlamôn, cộng đồng người Chăm Bà Ni và cộng đồng người Chăm Islam.

Cộng đồng Người Chăm Nam Bộ theo Hồi giáo không đặt tên bằng tiếng Chăm mà lại đặt theo hệ thống tên Hồi giáo mà phần lớn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập làm tên thường dùng trong cộng đồng.

Lễ đặt tên Hồi giáo ban đầu chỉ là một nghi thức và giờ đã trở thành một phong tục văn hóa truyền thống mà người Chăm tiếp thu trong quá trình thực hiện tín ngưỡng Hồi giáo.

Ban đầu người Chăm Hồi giáo chỉ đặt tên theo các thuộc tính của Thượng đế, theo tên của các vị thánh (Nabi), của những người thân trong dòng họ các vị thánh đó, hoặc tên của những nhân vật có công trong lịch sử phát triển Hồi giáo; về sau dùng những từ nào trong tiếng Ả Rập có nghĩa hay, tốt, đẹp làm tên Hồi giáo.

Tục lệ đặt tên

Khi đứa bé chào đời được bảy ngày, người Chăm Nam bộ làm Lễ cắt tóc tại nhà để đặt tên cho bé trước sự chứng của ông giáo cả (Hakim), già làng, thanh niên và bà con trong dòng họ. Đối với người Chăm, việc cắt tóc chỉ có tính cách tượng trưng, sau khi hớt một chỏm tóc trên trán đứa bé, mọi người đọc vài câu kinh chúc phúc và hy vọng một tương lai tốt đẹp cho đứa bé, rồi thoa lên trán nó một chút nước hoa gọi là ban lộc khác với tập tục Hồi giáo thì người ta phải cạo hết tóc trên đầu đứa bé rồi đem cân, được bao nhiêu thì cha mẹ đứa bé đó phải xuất một số tiền tương ứng phân phát cho khách đến dự buổi lễ. Gia chủ phải làm thịt con gà trống đã biết gáy để nấu cháo đãi khách, đặc biệt, lòng và ruột gà phải được chôn kỹ không để cho bất cứ con gì tha đi. Nếu như làm lễ đặt tên muộn đến một năm hơn thì phải làm thịt dê hoặc thịt bò. Nghi lễ này ghi nhận sự kiện đứa trẻ đó chính thức là một tín đồ mới của Hồi giáo.

Chọn tên

Người Chăm không có tục đặt họ mà chỉ có lựa tên. Tên của đứa bé được quyết định bởi ngày và thời khắc đứa bé chào đời. Cái tên Hồi giáo này được người Chăm tin là sẽ được Đấng Allah gọi dậy vào ngày phán xét cuối cùng (ngày tận thế).Tên Hồi giáo còn được chọn từ 4 nguồn sau: tên của các vị Thánh, người Hồi giáo có công cùng thời của Muhammad, những người tử vì đạo, những người Hồi giáo nổi tiếng trong lịch sử, các thuộc tính của thượng đế, từ ngữ có ý nghĩa tốt đẹp trong ngôn ngữ Ả Rập.

  • Tên của các vị thánh: Con trai được đặt tên theo một trong hai mươi lăm tên Thánh, còn con gái thì được đặt theo tên của những người phụ nữ có quan hệ họ hàng thân tộc với các vị thánh đó như: mẹ, vợ, con gái, cháu gái. Lịch sử Hồi giáo ghi nhận có tất cả 124.000 sứ giả, trong số đó Đấng Allah (Thượng đế của tín đồ Hồi giáo) chọn 313 thiên sứ, nhưng chỉ có 25 thiên sứ được nhắc tên trong kinh Qur’an. Theo thứ tự từ lúc Allah tạo ra con người đầu tiên là Adam đến Mohamad, đó là:
    • Adam, Idris, Nuh, Huh, Salleh, Lut, Ibrahim, Ismail, Ishaq, Yaqub, Yusuf, Zaid, Harun, Musa, Daud, Sulayman, Ayyub, Zulkifli, Yunus, Ilyas, Ilyasak, Zakariya, Yahya, Isa, Muhammad
    • Tên con gái có thể đặt là: Hawa: Eva, vợ của Adam. Balquis là con gái của Sulayman. Maryam là Maria, mẹ của Isa. Aminah là mẹ của Muhammad. Khodijahlà vợ đầu tiên của Muhammad. Ruqayyah, Fatimah, Zaynab là con của Mohammad và Khadijah. Sawdah, Aishah, Hafsah, Zainab, Salamah, Juwairiyah, Safiyah, Mary, Habibah là tên của những người vợ của Mohammad sau Khadijah.
  • Tên của lãnh đạo hoặc có công với đạo Hồi: Đặt theo tên của các nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo sau khi Muhammad mất vào năm 632 như Abu Bakar (632-634), Umar(634-644), Osama (644-656), Ali (656-661) hoặc tên của các chuyên gia luật pháp trong giai đoạn đầu của Hồi giáo đã tạo thành bốn trường phái luật pháp chính của Hồi giáo là: Maliki, Hanafi, Safiy và Hanbali.
  • Bản thể, Thuộc tính, Hành động của Thượng đế: Đặt tên theo 99[30] bản thể, thuộc tính, hành động của Allah dựa trên 99 cái tên tốt đẹp của Allah mà kinh Qur'an có ghi... Allah, Rahman, Rahim, Melik, Kuddüs, Selam, Mümin, Müheymin, Aziz, Cebbar, Mütekebbir, Halık, Bari, Musavvir, Gaffar, Kahhar, Vehhab, Rezzak, Fettah, Alim, Kabız, Basit, Hafıd, Rafi, Muiz, Müzil, Semi, Basir, Hakem, Adl, Latif, Habir, Halim, Azim, Gafur, Şekur, Aliyy, Kebir, Hafız, Mukit, Hasib, Celil, Kerim, Rakib, Mucib, Vasi, Hakim, Vedud, Mecid, Bais, Şehid, Hakk, Vekil, Kavi, Metin, Veli, Hamid, Muhsin, Mübdi, Muid, Muhyi, Mumit, Hayy, Kayyum, Vacid, Vahid, Samed, Kadir, Muktedir, Mukaddim, Muahhir, Evvel, Ahir, Zahir, Batın, Vali, Muteali, Berr, Tevvab, Müntakim, Afüv, Rauf, Malikül Mülk, Zülcelal-i Vel-İkram, Muksit, Cami, Gani, Muğni, Macid, Mani, Nur, Hadi, Bedi, Baki, Varis, Reşid, Sabur, Dar, Nafi.
    • Có nghĩa là từ 99 cái tên đẹp nhất của Allah như: Đấng rất mực khoan dung- Al Rahman, Đấng rất mực nhân từ- Al Latif, Đấng toàn năng- Al Aziz, Đấng tha thứ -Al –Ghaffar, Đấng luôn lắng nghe As-Sami, Đấng bảo vệ Al-Muhaymin... người ta đặt tên bằng cách bỏ tiền tố "Al" "As, "Ar", "Az" nghĩa là Đấng, chỉ lấy thuộc tính để đặt tên như Rahman, Latif, Aziz...; nếu đặt tên cho con gái mang thuộc tính đó thì phải thêm hậu tố "ah" như Rahmanah, Latifah, Azizah...
    • Hoặc thêm tiền tố "Abd", trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "đầy tớ của", như Abdur Rahman (đầy tớ của Đấng khoan dung), Abdul Latif (đầy tớ của Đấng nhân từ); trong đó "ur", "ul" là biến dạng của tiền tố "Al".
    • Những tên bắt đầu bằng Abdul được dùng ở cộng đồng Chăm Nam bộ như: Abdullah, Abdul Bari, Abdul Qadir, Abdul Rahim, Abdul Karim, Abdul Rahman, Abdul Malik, Abdul Halim, Abdul Khabir, Abdul Latif, Abdul Aziz, Abdul Ghaffar, Abdul Halim, Abdul Ghafur...
  • Từ ngữ Ả Rập có nghĩa tốt đẹp: Dùng từ ngữ có ý nghĩa tốt đẹp cho con trai hoặc thêm hậu tố "ah" cho tên con gái như: Amin, Aminah (Trung thành); Jamil, Jamilah (Xinh đẹp); Said, Saidah (May mắn); Salim, Salimah (Bình an); Safiy, Safiyah (Vô tội); Tahir, Tahirah (Trong trắng).
  • Cách dùng tên trong giao tiếp: Do người Chăm không có tục đặt tên họ và khả năng chọn tên còn hạn chế nên hiện tượng trùng tên xảy ra ở cộng đồng Chăm rất nhiều, để phân biệt người ta gọi: "Tên gọi + năm sinh": hoặc "Tên gọi + Tên cha": Ahmad ben Mahammed (Ahmad con của Mahammed) Masitoh nưk ôn Kim Him (tức là Masitoh con ông Cả chùa Ibrahim) hay Saleh nưk Tuan Taghế (tức là Saleh con thầy Idris) -"Tên gọi + tên chồng hoặc tên vợ" hoặc "Tên gọi + việc làm, nghề nghiệp" hoặc "Tên gọi + biệt danh" là tên gọi nói lên một đặc điểm nào đó của một người theo nơi ở, đặc điểm vóc dáng, đầu tóc, nước da, tính tình, thói quen, sở thích hoặc một kinh nghiệm cá nhân… Chẳng hạn như Yusub tựa (lùn), Saleh chuh (đen), Saleh nụ (thích chơi đá gà), Abdullhah pei chuk (thích ăn bún), Jamilah hề (vui tính), v.v.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tên_người_Việt_Nam http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Tinh_danh-Ten_... http://www.nguoicham.com/blog/180/b%C3%A0n-v%E1%BB... http://www.orientalement.com/n-les-99-noms-d-allah... http://tiasang.viet4phuong.com/news?id=923 http://www.viettimesonline.com/news.aspx?newsid=63... http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/loixua1/loi... http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/03/3B9D0A... http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/the-gioi/2010... http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detai... http://www.baodatviet.vn/phap-luat/200908/dat-ten-...